CÔNG NGHIỆP 4.0 TÁC ĐỘNG LÊN VIỆC LÀM TẠI VIỆT NAM NHƯ THẾ NÀO?
Ths. ĐẶNG THỊ HẢI HÀ - SÁNG LẬP RESPECTVN
27/3/2018
HỘI THẢO CỦA VCCI, OMEGAPLUS & SCIS
HỘI TRƯỜNG NHÀ KHÁCH QUỐC HỘI VIỆT NAM - HÀ NỘI
-
Cách mạng 4.0: Việc làm mất đi hay chuyển đổi
-
Cách mạng 4.0 trao quyền tự do lựa chọn việc làm
-
Cách mạng 4.0 kiến tạo các mối quan hệ việc làm "phi truyền thống"
-
Chưa cần đến robot, công nghệ 4.0 tăng hiệu suất làm việc nếu thực sự làm "cách mạng"
Việc làm và quan hệ việc làm phi truyền thống
dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0
CÁCH MẠNG 4.0: VIỆC LÀM MẤT ĐI HAY CHUYỂN ĐỔI?
Năm 2017, Tập đoàn tư vấn McKinsey tung ra dự báo về việc làm toàn cầu trước tác động của tự động hóa. Dự báo cho thấy cho đến năm 2030 việc làm không mất đi mà chuyển đổi về loại hình và yêu cầu kỹ năng làm việc của từ 75 triệu cho đến 375 triệu người trên toàn thế giới tùy theo mức độ áp dụng công nghệ nhanh hay chậm (www.mckinsey.com).
Đến năm 2030, cứ 6 trên 10 việc làm sẽ bị chuyển đổi về hình thức do ít nhất 30% hoạt động thực hiện công việc đó được tự động hóa. Tức là khoảng 375 triệu trong số 2,66 tỉ việc làm sẽ không bị mất đi mà chỉ chuyển sang dạng khác. Với tốc độ ứng dụng công nghệ nhanh nhất, sẽ có khoảng 30%, tức là 800 triệu người lao động bị thay thế. Tuy nhiên có tới hơn 890 triệu người lao động sẽ có việc làm do nhu cầu mới sẽ được tạo ra từ các xu hướng như thu nhâp và tiêu dùng gia tăng tại các nền kinh tế mới nổi; già hóa dân số; phát triển và áp dụng công nghệ mới; đầu tư vào xây dựng cơ bản; năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu; và các dịch vụ bù đắp cho các công việc không được trả lương. Như vậy có thể thấy thế giới sẽ có đủ việc làm đến năm 2030 nếu tốc độ ứng dụng công nghệ ở mức cao.
Với báo cáo này, nỗi sợ mất việc làm sẽ được thay thế bằng sự lo lắng làm sao tốc độ đầu tư vào phát triển & ứng dụng công nghệ của chính phủ và doanh nghiệp có thể đi cùng với tốc độ tăng trưởng, thay thế việc làm, cũng như nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động. Vì chắc chắn rằng việc làm chỉ có thể được tạo ra và được thay thế hiệu quả nếu mức lương đi cùng với năng lực đi lên của người lao động, tăng trưởng kinh tế đi kèm sáng tạo kích cầu việc làm, lực lượng lao động trẻ và đa đạng ngành nghề mở rộng đường cho ứng dụng công nghệ.
Cuối cùng, việc làm kỹ năng thấp hay ít đòi hỏi bằng cấp vẫn được có thể được thâm dụng, nhưng không bao gồm các hoạt động mà máy móc và robot có khả năng vượt trội như sản xuất hàng loạt, tổng hợp, xử lý số liệu, v.v. Thay vào đó lực lượng lao động, bao gồm đối tượng quản lý, phải bổ sung và nâng cao các phẩm chất và kỹ năng về công nghệ, quản lý các mối quan hệ việc làm, quan hệ xã hội, tư duy nhận thức, phân tích logic và khả năng sáng tạo. Như ông trùm bán lẻ Jack Ma đã khẳng định, thế hệ lao động mới cần học những thứ mà robot khó có thể qua mặt được họ, như nghệ thuật, hội họa, âm nhạc, tâm lý hay các kỹ năng tương tác con người với con người.
Tại Việt Nam, các phẩm chất và kỹ năng làm việc này đang là những thách thức lớn nhất của lực lượng lao động, kèm theo các mối quan hệ việc làm truyền thống phức tạp, hay tranh chấp, nhiều rủi ro... là những khối u nhức nhối đang triệt tiêu năng suất, hiệu quả hợp tác tại nơi làm việc. Từ đây đã và đang có sự dịch chuyển từ quan hệ việc làm truyền thống sang việc làm “tự do” trong nền kinh tế chia sẻ - nền kinh tế GIG - khi mà các cá nhân từ chối làm việc tập thể để trở thành “nhà thầu độc lập” trong mối quan hệ với đối tác hoặc ông chủ “ảo” như Uber, Grab, Airbnb, Freelancer, Upwork, v.v. Phân tích được xu hướng này tại Việt Nam mới có thể dự báo sâu hơn tác động của 4.0 lên việc làm và lực lượng lao động và mới có thể trả lời câu hỏi "việc mất đi hay được tạo ra."
CÁCH MẠNG 4.0 TRAO QUYỀN TỰ DO CHỌN LỰA VIỆC LÀM
Việc làm phi truyền thống (GIG) - độc lập, tùy ý, nhiều rủi ro, ít ràng buộc, nhiều yếu tố công nghệ - đã có mặt ở Việt Nam được một thời gian, song song với xu hướng khởi nghiệp (start-up). Nó đối lập với việc làm truyền thống (JOB) - làm công ăn lương, ít rủi ro nhưng bị ràng buộc bởi nghĩa vụ, trách nhiệm, quy trình - vốn là tấm vé đảm bảo "an ninh" việc làm cho mỗi người lao động.
Thay vì ký hợp đồng toàn thời gian và dành hết 8-9 tiếng tại văn phòng hay cơ sở sản xuất, người đi làm thời 4.0 có thể cài ứng dụng Upwork, nhận một công việc thiết kế, lập trình, v.v. từ Mỹ nhưng vẫn ngồi tại Việt Nam và làm việc bất kỳ thời gian nào mình muốn với các điều kiện trả công được thực hiện ngay trên ứng dụng. Nếu không thích làm công nhân lao động tại các nhà máy sản xuất, bất kỳ ai cũng có thể trở thành tài xế Uber hoặc một người bán hàng tự do trên Facebook, Ebay, Amazon, v.v. Anh tài xế chở khách đi bao nhiêu km thì được trả lương theo giá mà ông chủ Uber đưa ra ngay trên ứng dụng. Cô bán mỹ phẩm online lúc nào thích thì có thể streamline chào hàng, chốt deal theo giá mà mình đưa ra hoặc giá thị trường.
Đây là loại hình GIG mà đến năm 2020 sẽ có hơn 40% người đi làm trên thế giới lựa chọn để thay thế hoặc hỗ trợ công việc truyền thống đang có....đây cũng là cách thức khiến cho hơn 800 triệu việc làm không mất đi mà được chuyển đổi sang dạng thức khác đã được Mckinsey dự báo đến 2030.
Gần một tỉ người này chọn GIG thường vì họ mệt mỏi với các quy định chính sách, yêu cầu hành chính phức tạp, quan liêu, thiếu minh bạch công băng. Nhưng cũng không ít muốn làm chủ thời gian, cơ hội và sự nghiệp của mình, không khác lắm với các freelancer, các chủ doanh nghiệp tự thân truyền thống, nhưng với những công cụ làm việc hiện đại hơn, thông minh hơn, v.v. do 4.0 mang lại.
Như vậy 4.0 đang và sẽ tạo cơ hội hay tạo thêm quyền tự do lựa chọn loại hình việc làm cho rất nhiều người lao động, trong đó có những người lao động Việt Nam. Với sự linh hoạt của thị trường lao động, sự hỗ trợ hiệu quả của chế tài pháp luật, kèm theo lợi thế của kẻ đi sau các thị trường tiên tiến (ví dụ trong việc giảm thiểu các rủi ro tiêu cực của nền kinh tế GIG), cuộc cách mạng 4.0 hoàn toàn có thể giúp được hàng triệu người đi làm khác nhau đạt được những mong muốn rất khác nhau của họ.
CÁCH MẠNG 4.0 TẠO RA CÁC MỐI QUAN HỆ VIỆC LÀM PHI TRUYỀN THỐNG
Việc làm phi truyền thống kéo theo việc hình thành các mối quan hệ làm việc phi truyền thống. Theo đó người đi làm 4.0 nếu không còn muốn ràng buộc hoặc bị quản lý bởi những người sử dụng lao động thiếu tầm nhìn đối với vốn con người, thiếu năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý lao cảm tính, hay vi phạm các điều kiện lao động đã cam kết như trả lương thiếu, muộn, không tạo cơ hội phát triển v.v. thì có thể làm việc với các ông chủ "ảo" như Uber, Grab, hay tự trở thành ông chủ tự thân với Amazon, Facebook, Upwork, Fiverr, v.v..để giao kết một hợp đồng làm việc chỉ bằng một cú click chuột.
Với mối quan hệ việc làm công nghệ này, mô tả công việc, đánh gía năng lực, thu nhâp thù lao, sản phẩm đầu ra cụ thể được ghi nhận bằng các thuật toán đơn giản khiến hai bên đàm phán, thương lượng, giao kết, điều chỉnh, v.v. một cách chính xác và ít sai sót hơn hàng chục lần so với thỏa thuận thông thường.
Anh tài xế Uber hay Grab có thể "chốt" giá ngay khi nhận được lệnh đặt xe của khách, chạy xe sau 20 phút thì biết chắc mình sẽ kiếm được hơn 200,000VND từ cuốc xe đã chốt ngay trên ứng dụng. Cậu sinh viên giỏi công nghệ sau 2 giờ thiết kế đồ họa trên Upwork hay Fiverr sẽ nhận được USD40, thậm chí USD20 trả trước chỉ trong tích tắc. Cũng trong cùng những thời điểm đó, các ông chủ ảo như Uber hay nhà môi giới như Fiverr đã nghe thấy tiếng "kenh" của lênh chuyển tiền thành công vào tài khoản của mình. Đồng thời họ cũng giảm được một khoản chi phí giao dịch, thực thi hợp đồng, xử lý tranh chấp rất lớn do cách quản lý và làm việc cảm tính của con người mang lại. Năng suất làm việc tăng, hiệu quả kinh doanh được đo lường và dự báo nhanh là yếu tố tăng trưởng cốt lõi của những người sử dụng lao động thời 4.0.
Đây là những điểm khác cơ bản với mối quan hệ việc làm truyền thống, khi mà những hợp đồng lao động chỉ được ràng buộc và tôn trọng dựa vào vị thế đàm phán của mỗi bên trong từng thời điểm. Chi phí tăng đột biến khi sản xuất mở rộng mà không kịp đầu tư vào hệ thống quản trị khiến nhiều chủ doanh nghiệp làm "ẩu", cắt lương, tăng giờ làm, cung cấp điều kiện làm việc quá dưới chuẩn, v.v. khiến hàng ngàn công nhân đình công, mất đơn hàng, và cuối cùng vẫn phải nhượng bộ vì không thể tuyển dụng trong ngày cùng một lúc hàng ngàn người lao động. Ở một bức tranh khác, nhân viên được định nghĩa là "zombie" hết vật vờ trong văn phòng lại lên facebook chát chít khiến quản lý lao đao, dự án không thể chạy, mặc dù phần nhiều cũng do quản trị hệ thống và nhân lực kém. Những bức tranh ảm đạm này kéo theo chi phí khủng không tên, năng lượng làm việc thấp, lợi nhuận suy giảm v.v. chính là lý do để những mối quan hệ, những hợp đồng phi truyền thống thời 4.0 xuất hiện và thay thế.
Dĩ nhiên câu chuyện Uber Grab với mối quan hệ nửa việc làm nửa "đối tác kinh doanh" vẫn còn ẩn chứa nhiều nội dung phức tạp. Ví dụ lái xe không được quyết định cơ chế giá cả và thu nhập của mình, nhưng không có bảo hiểm xã hội, xe cộ, tai nạn, thất nghiệp hoặc phải tự chịu tất cả các chi phí này khi khi tham gia Uber. Tại Châu Âu, tòa án tối cao đã đưa ra phán quyết Uber là hãng xe taxi một phần vì lý do này. Tại một số bang của Mỹ, Uber phải đàm phán với công đoàn về cơ chế thu nhập và điều kiện làm việc của tài xế. Tuy nhiên ở Việt Nam, nếu nói rằng việc làm GIG rủi ro hơn việc làm truyền thống thì cũng chưa hoàn toàn thuyết phục. Hàng triệu người đi làm trông mong vào tiền lương và bảo hiểm nhưng lương bị cắt xén, lên xuống bất ổn và bảo hiểm thì rủi ro về cơ chế và thời gian hưởng lợi trong lâu dài (xem hình trên).
Tương tự nếu Uber hay Grab phải trở thành taxi truyền thống để theo kịp với Châu Âu về bảo vệ nhân quyền mà người lao động Việt mất đi cơ hội việc làm công nghệ do Việt Nam chưa có đối thủ của Uber như Didi thì bài toán thị trườn lao động trong cuộc cách mạng 4.0 tại Việt nam sẽ mất đi nhiều mảnh ghép. Nếu các nhà hoạch định chính sách về việc làm có thể tận dụng lợi thế của kẻ đi sau để nghiên cứu sâu đặc điểm của các nền kinh tế đi trước và so sánh thấu đáo với bối cảnh thực tế Việt Nam thì bức tranh thị trường lao động thời 4.0 của Việt Nam mới có thể được nhìn toàn cảnh.
CÁCH MẠNG 4.0 TĂNG HIỆU SUẤT LÀM VIỆC MÀ CHƯA CẦN ROBOT
Tại Việt Nam, nói đến robot hiện giờ là quá xa vời. Thị trường lao động trong cách mạng 4.0 cần được nhìn nhận thực tế thông qua mức độ ứng dụng công nghệ mà tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. v.v. thâm dụng lao động. Ngoài tỉ lệ sử dụng internet vào mức thấp, các ông chủ tại Việt Nam vẫn e dè khi sử dụng các ứng dụng và nền tảng thông minh để tăng hiệu suất và năng lực làm việc của cá nhân tập thể.
Nhiều doanh nghiệp, thậm chí rất lớn và lớn, vẫn sử dụng cơ chế nặng về hành chính văn bản và các hàm excel đơn giản để quản lý đến hàng trăm hàng ngàn người...ở các nơi làm việc cấp tiến hơn, các hệ thống hiện đại được trang bị để quản trị nhân lực nhưng dễ dàng bị chi phối và lạm dụng bởi các quyền hạn và mối quan hệ không được quản trị minh bạch. Chi phí cho những vẫn đề này nhìn ở góc độ tranh chấp về lợi ích giữa các cá nhân đến tập thể (từ vị trí quản lý cao nhất đến thấp nhất) có thể tính đến hàng trăm nghìn đến hàng triệu đô la cho những dự án thất bại, những vụ kiện tụng, đình công hoặc hiệu quả làm việc tụt đáy mà phần nhiều các doanh nghiệp không tính toán được.
Một lý do nữa là giá nhân công tại Việt Nam vẫn còn rẻ để các nhà đầu tư tiếp tục sử dụng máy móc "vốn đã bị thải loại từ các nền kinh tế tiên tiến" và "năng suất lao động có theo kịp máy móc hiện đại đâu mà đầu tư mới làm gì?" Cuối cùng các ông chủ lớn nhỏ tại Việt Nam hay được nhân viên hài hước nhận định về khả năng ra quyết định, đặc biệt các quyết định đầu tư vào những vấn đề phức tạp như quản trị hệ thống hay công nghệ, "...Họ thay đổi như chong chóng ... có hay không có căn cứ dự báo tính toán...họ đều đổi ý...có khi đến robot Sofia nổi tiếng cũng phải bể sọ vì tốc độ thay đổi của họ..." (xem hình bên).
Nói gì thì nói, công nghệ chỉ có thể tác động đáng kể vào đời sống việc làm khi nó trở thành công cụ dễ dàng cho người ứng dụng. Nếu Uber, Grab, Upwork không đơn giản và dễ dùng, họ sẽ không có nhiều users đến thế. Tương tự với người sử dụng lao động, nếu công nghệ không thể làm đơn giản hóa quy trình sản xuất, đảm bảo năng suất chất lượng, dễ tiếp cận với những người lao động trình độ thấp, v.v. từ đó giảm chi phí, tăng lợi nhuận, tránh rủi ro, v.v. thì họ cũng sẽ không sử dụng công nghệ. Chưa kể đặc trưng của 4.0 trong ngành sản xuất là quản lý phân quyền và tổ chức việc làm linh hoạt cần sự thay máu toàn diện, đặc biệt là năng lực công nghệ của lãnh đạo.
Hiện nay đã có nhiều start-up Việt Nam hướng đến công nghệ phức tạp để nâng cao hiệu suất như nền tảng Wework tăng cường hiệu quả quản lý dự án, Upupapp dùng thuật toán trò chơi để tính lương thưởng trong doanh nghiệp, We@work theo dõi phân loại rủi ro và mâu thuẫn để đánh giá hiệu quả hợp tác tại nơi làm việc, v.v. Việc các doanh nghiệp Việt có sử dụng các công nghệ này hay không cũng còn phụ thuộc vào những yếu tố như đã nói ở trên. Nhưng chắc chắn công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp dự báo, tính toán và đo lường cụ thể các vấn đề quản trị để từ đó lãnh đạo ra quyết định đúng đắn nhất cho doanh nghiêp của họ.
Trước tự động hóa và robot, thế giới đã thúc đẩy công nghệ Quản lý thông minh (Business Intelligence) để giải quyết các vấn đề tồn đọng trong quản lý truyền thống trước khi trí tuệ nhân tạo vào cuộc. Có BI thì Walmart, người khổng lồ về thâm dụng lao động, gần đây mới quyết định theo chân Amazon dựa nhiều hơn vào nền kinh tế GIG và tự động hóa. Vì với BI họ tính toán rằng dù doanh thu hàng năm của họ lên tới 500 tỉ đô la, mỗi người lao động của họ chỉ kiếm về cho họ 217000 đôla một năm, so với 315000 đô la của nhân viên Amazon, dù công ty này nhỏ hơn rất nhiều và số lượng lao động chỉ bằng 1/4 Walmart. Walmart hi vọng tự động hóa và GIG sẽ cải thiện hiệu suất làm việc trên toàn cầu, số lượng nhân viên sẽ giảm đi, vì thế thu nhập của họ sẽ tăng lên và tiếng xấu "chạy đua xuống đáy" về trả lương cho người lao động của Walmart bao năm qua có thể sẽ không còn.
Như vậy tại Việt Nam, chỉ cần áp dụng các nền tảng quản trị doanh nghiệp thông minh (BI) phổ biến và đã được chứng minh của thế giới để nâng tầm hiệu suất làm việc, thúc đẩy các mối quan hệ việc làm lành mạnh đã là một cuộc "cách mạng" đáng kể tại Việt Nam, chứ chưa nói gì đến trí tuệ nhân tạo (AI) và robot./.
Xem link Hội thảo tại http://beavccivietnam.com.vn/detail.asp?id=13074
Xem bài đăng trên báo Tia Sáng và Khoa học Kỹ thuật Việt Nam